Nước rửa kính ô tô – Cách pha nước rửa kính ô tô

Nước rửa kính ô tô có tác dụng gì?

Nước rửa kính ô tô có tác dụng chính làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ, cặn canxi, chất bẩn, xác côn trùng… bám trên bề mặt kính chắn gió.

Dù xe ô tô lưu thông ngoài đường hay đậu trong garage thì bề mặt kính chắn gió cũng rất dễ bị bám nhiều loại vết bẩn như: bụi bẩn, dầu mỡ, nhựa cây, phân chim, xác côn trùng… Nếu dùng nước lã thông thường để vệ sinh kính chắn gió thì có thể rửa trôi vết bẩn này nhưng khó thể tẩy sạch hoàn toàn. Do đó cần sử dụng đến nước rửa kính ô tô chuyên dụng.

Bên cạnh tác dụng chính là làm sạch, nhiều dòng nước rửa kính xe ô tô hiện nay còn có thêm chất giúp chống mòn, làm mềm lưỡi gạt mưa, góp phần tăng hiệu quả hoạt động cũng như tuổi thọ cho gạt mưa ô tô. Một số dòng sản phẩm cao cấp hơn có thể tạo thêm màng phủ Nano trên kính giúp hạn chế bám nước mưa, bám chất bẩn…

Nước rửa kính ô tô có hai dạng, dạng đậm đặc và dạng loãng. Nếu chọn dạng dung dịch đậm đặc thì trước khi sử dụng cần phải pha loãng với nước.

Nước dùng để pha nước rửa kính

Nước sử dụng để pha với dung dịch rửa kính ô tô thường được khuyến nghị là nước cất. Bởi nước cất là nước tinh khiết. Còn nước lấy từ nguồn nước sinh hoạt thông thường dễ có khoáng chất. Nếu không có nước cất có thể thay thế bằng các loại nước uống tinh khiết đóng chai.

Tỷ lệ pha nước rửa kính

Tỷ lệ pha nước rửa kính ô tô thường được nhà sản xuất ghi chú rõ trong phần hướng dẫn sử dụng. Đa phần các loại nước rửa kính xe oto đậm đặc thường có tỷ lệ pha là 1:100. Nghĩa là cứ 10 ml dung dịch pha với 1 lít nước tinh khiết. Ví dụ nếu bình nước rửa kính xe ô tô mua về có dung tích 25 ml thì để pha hết bình này cần sử dụng 2,5 lít nước tinh khiết.

Hướng dẫn pha nước rửa kính

Các bước pha nước rửa kính ô tô:

Bước 1: Chuẩn bị một bình chứa có thể tích 4 – 5 lít để pha nước rửa kính.

Bước 2: Đổ nước tinh khiết vào bình chứa theo đúng tỷ lệ pha.

Bước 3: Đổ dung dịch rửa kính đậm đặc vào bình theo đúng tỷ lệ pha. Lắc hoặc dùng đũa khuấy đều để dung dịch tan trong nước.

Pha nước tinh khiết và dung dịch rửa kính theo đúng tỷ lệ

Cách châm nước rửa kính xe ô tô

Các bước thêm nước rửa kính ô tô:

Bước 1: Tìm vị trí nắp bình chứa nước rửa kính trên xe. Bình chứa nước rửa kính được đặt trong khoang máy. Nắp bình thường có ký hiệu nước rửa kính ô tô là hình kính chắn gió với tia nước phun lên ở giữa.

Ký hiệu nước rửa kính ô tô

Bước 2: Mở nắp bình chứa và kiểm tra nước rửa kính xe ô tô còn nhiều hay ít.

Bước 3: Đổ thêm nước rửa kính vào bình với lượng phù hợp. Nên đổ từ từ để tránh bị tràn. Sau khi hoàn tất, khoá chặt nắp bình lại.

Đổ thêm nước rửa kính vào bình với lượng phù hợp

Cách thay nước rửa kính xe ô tô

Với những xe ít sử dụng, nước rửa kính trong bình chứa quá lâu chưa dùng hết thì nên thay mới.

Các bước thay nước rửa kính ô tô:

Bước 1: Dùng máy hút bụi mini có chức năng hút nước hoặc dụng cụ hút đẻ hút sạch và xả nước rửa kính cũ bên trong bình ra ngoài.

Bước 2: Đổ nước sạch vào bình, cọ rửa làm sạch thành bình (nếu có thể), sau đó hút ngược nước xả ra ngoài. Có thể lặp lại bước này nhiều lần đến khi nào thấy nước hút ra có độ trong, sạch, không còn cặn bẩn.

Bước 3: Sau khi vệ sinh sạch bình chứa, đổ nước rửa kính chuyên dụng vào bình và khoá chặt nắp.

Có nên dùng nước lã để rửa kính ô tô?

Theo các chuyên gia không nên dùng nước lã để rửa kính ô tô bởi nhiều lý do.

Thứ nhất nước lã không thể tẩy sạch loại chất bẩn cứng đầu bám trên kính chắn gió như: dầu mỡ, nhựa cây, vết sơn, phân chim, phân côn trùng, xác côn trùng… Bởi nước lã không thể hoà tan các chất bẩn này. Trong khi gạt mưa cũng không thể loại bỏ sạch nếu các chất bẩn bám trên kính dưới dạng màng mỏng. Do đó cần sử dụng nước rửa kính xe hơi chuyên dụng. Bởi loại nước này có thành phần chất tẩy rửa, phụ gia giúp hoà tan, làm sạch triệt để các mảng bám trên kính.

Thứ hai là trong nước sinh hoạt thường có nhiều khoáng chất như canxi, magie, photpho, sắt… Một số nơi thành phần canxi, magie còn vượt mức tiêu chuẩn trở thành nước cứng. Nếu dùng nước cứng này để rửa kính sẽ dễ bị hiện tượng đọng cặn canxi tạo ra các đốm mờ trên kính.

Thứ ba là nước lã nếu chứa trong bình nước rửa kính ô tô lâu ngày sẽ dễ bị đóng cặn, váng bẩn. Còn nước rửa kính chuyên dụng do có thành phần chất tẩy sát khuẩn nên không bị đóng cặn, váng như nước lã.

Trong trường hợp xe bị hết nước rửa kính nhưng không có sẵn dung dịch rửa kính chuyên dụng thì có thể sử dụng tạm nước tinh khiết đóng chai

Do đó không nên dùng nước lã để rửa kính ô tô. Trong trường hợp xe bị hết nước rửa kính nhưng không có sẵn dung dịch rửa kính chuyên dụng để châm thêm thì người dùng có thể sử dụng tạm nước tinh khiết đóng chai. Lưu ý chỉ dùng nước tinh khiết, không dùng nước khoáng vì trong nước khoáng có chứa khoáng chất.

Bài viết: (Vũ Phạm- danchoioto.vn)

?Để được tư vấn – vui lòng liên hệ:
? Hotline: 091.910.5399 / 091.823.1899
? Email : sales@vcsgroup.com.vn
? Website : www.vcsgroup.com.vn
#VcsGroup #hoachat #Hoachatantoan #Hoachatcongnghiep #VCS #VcsVietNam